Thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Viết thư pháp là một môn thiền định”

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Viết thư pháp là một môn thiền định

Thiền sư Thích Nhất Hạnh chia sẻ: “Trong thư pháp của tôi, có mực, trà, hít thở, chánh niệm và tập trung. Viết thư pháp là một môn thiền định…”

Nâng chén trà trên hai tay, Thiền sư Thích Nhất Hạnh chậm rãi nhấp từng ngụm nhỏ nhẹ. Khuôn mặt ngài thư thái. Thời gian như ngưng đọng. Mấy trăm khách mời đang chăm chú xem các đệ tử của ngài bày bút nghiên, mực, giấy dó lên bàn viết, háo hức chờ đợi cái thời khắc ngài biểu diễn thư pháp thiền nhưng trước mắt vị thiền sư lúc này, dường như chỉ có sự hiện diện của chén trà nóng đang tỏa hương.

Nhấp ngụm trà thứ ba, cảm nhận trọn vẹn cái hương thơm, vị đượm của trà, Thiền sư Thích Nhất Hạnh nghiêng chén, chậm rãi châm một ít trà vào nghiên mực rồi nhẹ nhàng cầm ngọn bút, chấm mực, viết. Toàn thân ngài tĩnh lặng, bàn tay ngài với những ngón tay thanh mảnh chậm rãi đưa từng nét bút đều đặn. “This is it”. (Tạm dịch: Nó đây rồi. Cái mà ta tìm kiếm đây rồi”. “Present moment, wonderful moment” (An trú trong hiện tại, giây phút đẹp tuyệt vời). “Breathe and smile” (Thở và cười)…



Viết xong mỗi bức, ngài mỉm cười nâng bức thư pháp cho quan khách xem. Cả khán phòng bừng lên niềm ngạc nhiên, thích thú và hạnh phúc trước nguồn tuệ giác của vị thiền sư già qua từng nét chữ đậm chất thiền.

Sau hàng loạt các cuộc triển lãm thư pháp thiền gây tiếng vang lớn ở Pháp, Đức, Canada, Thái Lan, Đài Loan và Hồng Kông, đêm ngày 5 tháng 9 năm 2013, Cuộc triển lãm với chủ đề “Thiền thư pháp: Nghệ thuật chánh niệm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh” đã chính thức khai mạc tại ABC home, New York (Mỹ), thu hút sự quan tâm đông đảo của những người mộ điệu và giới truyền thông quốc tế.

Đây cũng chính là một trong những hoạt động nằm trong chương trình Hoằng pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh kéo dài suốt hai tháng trên đất Mỹ. Hàng trăm tác phẩm được trưng bày chính là kinh nghiệm thiền định trong cuộc sống cho những người thưởng ngoạn. “Không có bùn, không có sen”, “Đi như một dòng sông”, “Hòa bình trong mình. Hòa bình trong thế giới”… Những dòng chữ ngắn gọn, giản dị mà sâu sắc ấy đã trở thành những thiền ngữ chứa đựng trong đó giáo lý căn bản của đạo Phật, nhắc nhở mọi người những niềm vui luôn song hành cùng nghệ thuật sống chánh niệm.



“Trong thư pháp của tôi, có mực, trà, hít thở, chánh niệm và tập trung. Viết thư pháp là một môn thiền định. Tôi viết các từ hoặc câu mà có thể nhắc nhở mọi người về thực hành chánh niệm. Khi viết thư pháp, tôi luôn tìm cách viết như thế nào để có thể chế tác và duy trì được năng lượng niệm, định, tuệ và từ bi trong suốt thời gian viết. Khi bắt đầu vẽ một vòng tròn, tôi thở vào và vẽ nửa vòng tròn trong khi thở vào, rồi tôi thở ra và vẽ nửa vòng còn lại trong khi thở ra. Trong suốt thời gian vẽ vòng tròn, tôi cũng đồng thời ý thức rằng trong bàn tay này của tôi có bàn tay của cha, của mẹ, của ông bà tổ tiên. Vì vậy mà khi tôi vẽ vòng tròn này thì cha, mẹ, ông bà tổ tiên và cả các vị thầy tâm linh của tôi cũng đang vẽ cùng tôi. Và vì chúng tôi cùng nhau vẽ vòng tròn này nên không hề có một cái ngã riêng biệt. Do vậy, chỉ vẽ một vòng tròn thôi nhưng ta có thể có được tuệ giác về vô ngã (anatta)” – Thiền sư Thích Nhất Hạnh chia sẻ.

Chính sức mạnh từ phương pháp thiền tập và tuệ giác đó đã làm cho nghệ thuật thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở nên đặc biệt và được nhiều người yêu thích trên khắp thế giới. “Mọi người đều muốn đem năng lượng của Thầy về nhà. Bức thư pháp Thầy viết chứa đựng năng lượng mà Thầy đã chế tác ra, đó là năng lượng hiểu biết, thương yêu và chánh niệm”. Một quan khách người Pháp đã hoan hỉ chia sẻ sau khi mua bức thư pháp: “Breathe, you are alive” (Thở đi con và ý thức rằng con đang sống).



Tại cuộc triển lãm, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đề nghị những người tham dự buổi triển lãm thư pháp thực tập im lặng và giữ chánh niệm trong suốt buổi tham quan. “Ta cần duy trì hơi thở chánh niệm và đem tâm trở về với thân. Khi ta thực sự có mặt thì ta có thể để cho năng lượng của bức thư pháp đi vào trong trái tim ta. Trong chiều sâu tâm thức của ta có hạt giống của hiểu biết, thương yêu, hạt giống của niềm vui, hạt giống của tuệ giác, của giác ngộ. Nếu chúng ta để cho năng lượng của bức thư pháp đi vào và tiếp xúc với hạt giống tuệ giác trong ta thì chúng ta sẽ có được sự giác ngộ mà chúng ta mong muốn. Vì vậy khi chúng ta đi thật chậm qua các bức thư pháp và để cho năng lượng của bức thư pháp đi vào trong ta và tiếp xúc, tưới tẩm những hạt giống đẹp và lành nơi ta thì chúng ta sẽ được chuyển hóa và trị liệu trong thời gian đi xem các tác phẩm thư pháp. Nửa giờ trong phòng triển lãm là nửa giờ thiền tập. Nếu làm được như vậy thì khi bước ra khỏi phòng triển lãm, chúng ta có thể trở thành một con người hoàn toàn mới”.

Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với thiền sư Thích Nhất Hạnh bên lề Cuộc triển lãm tại New York:

PV: Thiền sư bắt đầu thực hành thư pháp từ bao giờ ạ?

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Tôi bắt đầu viết thư pháp vào năm 1994 chỉ với mục đích là làm phương tiện để nuôi dưỡng các học trò của mình trong nghệ thuật sống chánh niệm. Thư pháp của tôi không xuất sắc gì mấy. Vậy mà tập viết hoài ngó cũng được. Càng viết, chữ càng ngó được hơn.

Năm 1999, trong chuyến thăm Trung Quốc, một phật tử có mang theo nhiều giấy, bút và mực. Anh xin tôi viết mấy chục tấm để bán lấy tiền cúng dường chùa tổ Lâm Tế, thuộc thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc. Anh nói đa số những người trong phái đoàn đi Trung Quốc là người Tây phương nên tôi có thể viết chữ tiếng Anh. Tôi chiều lòng anh. Và số tiền bán chữ đã lên tới hàng ngàn đô-la. Phái đoàn đã cúng dường toàn bộ số tiền cho chùa tổ Lâm Tế để giúp vào quỹ mua thêm đất và xây cất thêm tăng viện. Hòa thượng trụ trì Hữu Minh rất cảm động.

Vào lễ giáng sinh năm đó, nhiều minh tinh màn bạc nổi tiếng Hollywood như Marlon Brando, Jack Nicholson, Sean Penn… cũng nhận được nhiều bức thư pháp tôi viết do bạn hữu của họ tặng. Mỗi khi trao đổi thư pháp với các vị tọa chủ các chùa lớn ở Trung Quốc, Hàn Quốc, tôi cũng viết chữ Tây cho lạ. Số thư pháp tôi đã viết, tính đến nay ước chừng cũng hơn 10.000 tác phẩm. Số tiền thu được dùng để tài trợ cho các chương trình nhân đạo tại các nước đang phát triển.

PV: Ở Việt Nam, thư pháp phát triển khá mạnh. Song hầu hết các nhà thư pháp Việt đều viết bằng chữ Hán. Tại sao thiền sư lại chỉ viết thư pháp bằng tiếng Anh và tiếng Việt?

Thiền sư Thích Nhất Hạnh:Chữ Hán tôi viết rất ít vì hiện giờ ít người đọc được chữ Hán. Tôi thấy những bức chữ Anh, chữ Việt hoặc chữ Pháp lồng kính treo lên cũng đẹp vô cùng và khi đọc, người ta hiểu liền. Tôi cũng có viết nhiều câu đối chữ Việt và cả chữ Âu Mỹ nữa. Tôi chỉ viết những chữ mà khi treo lên người ta có thể thực tập theo được mà thôi. Có thể kể tên một số tác phẩm thư pháp được mọi người yêu thích nhất như: Breathe, you are alive (Thở đi, bạn đang là sự sống màu nhiệm). “The tears I shed yesterday have becam rain” (Nước mắt ngày xưa nay đã thành mưa”. “Be beautiful, be yourself” (Bạn chỉ đẹp khi là chính bạn). I have arrived, I am home (Con đã về, con đã tới)…

Mỗi tác phẩm thư pháp đều là một đề tài thiền tập. Chẳng hạn như bức thư pháp “Be beautiful, be yourself”. Ta phải là chính ta thì ta mới đẹp. Ta không cần phải trở thành một ai khác. Ví như một đóa sen, tự thân nó đã rất đẹp, nó không cần phải cố gắng để biến thành hoa hồng hay một loại hoa khác mới đẹp. Trong mỗi chúng ta đều có hạt giống của niềm vui, của thương yêu và hạnh phúc. Nếu chúng ta để cho những hạt giống này được biểu hiện thì ta sẽ trở thành một đóa hoa đẹp trong vườn hoa của nhân loại.

Hay bức thư pháp “Let go and be happy” (Buông bỏ để có hạnh phúc). Buông bỏ ở đây nghĩa là buông bỏ những ham muốn, hờn giận, và buông bỏ luôn cả ý niệm của ta về hạnh phúc. Mỗi người trong chúng ta đều có một ý niệm về hạnh phúc. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta cần phải có cái này hoặc cái kia thì mới có thể hạnh phúc. Nhưng chúng ta đâu biết rằng: chính cái ý niệm về hạnh phúc đó lại là chướng ngại để chúng ta có hạnh phúc thực sự. Nếu chúng ta can đảm buông bỏ ý niệm đó thì hạnh phúc sẽ đến với chúng ta ngay lập tức.

PV: Bức thư pháp tiếng Việt nào của thiền sư được người Việt yêu thích nhất?

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Bức mà Phật tử Việt Nam yêu thích nhất là bức có ba chữ: “Thở đi con”. Ai cũng muốn thỉnh một bức về treo trong phòng khách để khi có chuyện bất an thì nhớ mà thực tập. Còn khi bình thường mà thực tập thì nuôi dưỡng thêm hạnh phúc đang có.

Có những bức tôi viết trọn một vài câu thơ hay cả bài thơ. Những câu thơ trong Truyện Kiều có thể hiểu theo nghĩa thiền quán cũng rất được hâm mộ. Ví như câu: “Bây giờ rõ mặt đôi ta. Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao”. Hay câu: “Trời còn để có hôm nay. Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”. Có một cặp tân hôn xin chữ, tôi đã cho câu: “Trước sau cho vẹn một lời. Duyên ta mà cũng phúc người phải không?, tôi đổi một hai chữ cho thích hợp.

PV: Những bức thư pháp của thiền sư bao giờ cũng đậm chất thiền và chuyên chở tuệ giác của đạo Phật. Có điều gì khiến thiền sư trăn trở trong việc truyền bá đạo Phật cho giới trẻ trong thời buổi hiện đại này không?

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Tôi muốn nói chuyện đạo Bụt. Đạo Bụt tại châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Đạo Bụt nếu không được làm mới để có thể đáp ứng được nhu cầu đích thực của người thời nay thì đạo Bụt sẽ từ từ vắng mặt, nghĩa là sẽ chết như ông đồ xưa trong bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên.

Phải giảng dạy đạo Bụt như thế nào để tuổi trẻ bây giờ có thể áp dụng được vào trong đời sống hàng ngày của họ, chuyển hóa được khổ đau, khai thông được bế tắc, xây dựng lại được tình thâm. Lễ bái, cầu phước và tín mộ không đủ. Tuổi trẻ không muốn đến chùa chỉ để đốt nhang, đốt vàng mã, vái lạy và tụng những kinh mà họ hoàn toàn không hiểu. Buổi công phu sáng gần hết là bằng tiếng Phạn, có tính chất của Mật Tông, mà lại là tiếng Phạn phiên âm tiếng Hán – Việt xa lắc với nguyên âm. Buổi công phu chiều thì chủ yếu là để cầu sinh Tịnh Độ.

Không mấy ai hiểu được và đọc được kinh chữ Hán. Vậy mà ta không có can đảm đem hai buổi công phu dịch ra quốc văn để hành trì. Ta sợ người ta đàm tiếu, chê bai là bỏ gốc rễ. Ta có bỏ gốc rễ đâu. Ta chỉ chăm sóc và làm mới cho gốc rễ thôi để cho cội cây xưa có được sức sống mới đâm lên những chồi mới, nếu không cây sẽ chết.

Cách đây chừng vài trăm năm, người ta đã từng bĩu môi chê chữ Nôm là quê mùa, là mách qué. “Nôm na là cha mách qué”. Người ta bảo người đứng đắn và người trí thức chỉ dùng chữ Hán thôi. Vậy mà đại thi hào Nguyễn Du đã sáng tác nên kiệt tác “Truyện Kiều” bằng chữ Nôm và đã tạo nên được một niềm tin lớn cho quốc dân. Không dùng súng đạn và gươm giáo mà thi sĩ đã xây dựng được thành lũy vững chãi cho nền độc lập dân tộc. Độc lập chính trị chỉ có thể bền vững khi có độc lập văn hóa. Cụ Nguyễn Du là một ông đồ không bao giờ già, không bao giờ chết. Hồn của cụ sống mãi trong hồn của người trẻ bây giờ. Bài học đó há không đủ cho chúng ta sao? Con cháu chúng ta bỏ chùa, bỏ đạo gốc tổ tiên chạy theo những trào lưu từ ngoài tới. Lỗi đó là của ai?

Làm mới đạo Bụt, áp dụng ngay những pháp môn của đạo Bụt nhập thế, sử dụng ngay tiếng Việt để tụng niệm trong hai buổi công phu là điều rất cần thiết. Chúng ta đừng làm như ông đồ xưa, dần dần vắng mặt trong cuộc đời. Chúng ta phải tái sinh ngay lập tức để trở thành ông đồ nay. Chỉ có ông đồ nay mới làm thỏa mãn được những nhu yếu của người ngày nay. Từ thế kỷ thứ 14, vua Trần Nhân Tông và thiền sư Huyền Quang đã thấy được sự thực này. Các vị đã bắt đầu sáng tác bằng tiếng Việt, sử dụng chữ Nôm.

Ở Triều Tiên, ngày xưa cả nước đi theo đạo Bụt. Vào đầu thế kỷ này, chỉ còn dưới 50% dân chúng là Phật tử. Giới trẻ đi theo ngoại lưu nhiều như thác lũ. Lý do là đạo Bụt bên đó quá bảo thủ và còn rất kỳ thị phụ nữ. Ta cầu xin xác vị tôn đức trong sơn môn ta nghĩ lại cho con cháu được nhờ. Đạo Bụt không thể không hiện đại hóa.

Tại Tây phương, nhiều người đang muốn cho đạo Ky tô được hiện đại hóa nhưng họ chưa thành công vì thái độ thủ cựu và giáo điều của giới chức sắc bề trên. Nhiều nhà thờ vắng bóng tín đồ. Người xuất gia rất hiếm chỉ vì người ta bảo thủ quá, không chịu làm mới, không chịu cách mạng giáo lý và giáo chế. Đạo Bụt có tinh thần cởi mở tự do, dễ làm mới hơn nhiều. Ta có thể thành công trong vài thập niên nếu chúng ta tỉnh thức. Chúng ta không có lý do gì để không thành công.

PV: Xin cảm ơn thiền sư!

Nguồn: Radio Việt Nam

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tải font thư pháp đẹp nhất

dowload Font chữ thư pháp - thư pháp tuyệt đẹp